Theo báo cáo của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mỹ Tú, tính đến hết tháng 9/2023 tổng doanh số cho vay các Chương trình tín dụng trên địa bàn huyện đạt trên 187,7 tỷ đồng, với hơn 6 nghìn lượt khách hàng vay vốn; tổng dư nợ đạt hơn 431,7 tỷ đồng (tăng 76,594 tỷ đồng so với năm 2021). Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách đạt 94,14 điểm/100 điểm; tỷ lệ thu nợ gốc đạt 97,42%; tỷ lệ thu lãi đạt 99,17%; chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 90,16%; tỷ lệ nợ quá hạn là 0,48%.
Về nguồn vốn tín dụng chính sách tham gia vào 3 chương trình MTQG: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: Đến 30/9/2023, dư nợ cho vay tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa đạt hơn 406,5 tỷ đồng, chiếm 94,17% tổng dư nợ toàn huyện. Các nhóm chương trình tín dụng nhằm giải quyết nhu cầu căn bản, thiết yếu của đời sống người dân khu vực nông thôn như cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm). Đến nay, toàn huyện có 6 đơn vị xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 01 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Đến 30/9/2023, dư nợ cho vay đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo góp phần thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đạt hơn 232 tỷ đồng, chiếm 53,76% tổng dư nợ, với hơn 8 nghìn hộ đang còn dư nợ. Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Đến 30/9/2023, dư nợ cho vay đạt trên 195,7 tỷ đồng, chiếm 45% tổng dư nợ, với 5.643 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ đối với khách hàng hộ DTTS là 92 tỷ triệu đồng với 3.221 khách hàng còn dư nợ.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch thường trực UBND, Trưởng Ban đại diện HĐQT Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mỹ Tú cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ của NHCSXH các cấp trong triển khai vốn tín dụng chính sách cho người dân trên địa bàn. Nguồn vốn chính sách đã phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống và có tác động mạnh mẽ, tích cực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo; nâng tổng số hộ khá giàu toàn huyện năm 2022 đạt 45%. Để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững huyện Mỹ Tú mong muốn thời gian tới NHCSXH Việt Nam tiếp tục quan tâm, triển khai các chương trình tín dụng cho nhân dân trên địa bàn. Huyện Mỹ Tú cũng kiến nghị với NHCS Việt Nam tăng nguồn vốn vay đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với số tiền 36 tỷ đồng giải quyết cho hơn 450 lao động có nhu cầu; chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 25 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu cho 350 hộ tại 16 ấp đặc biệt khó khăn (thuộc 3 xã Mỹ Thuận, Thuận Hưng, Phú Mỹ).
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam đánh giá cao kết quả huyện Mỹ Tú đã đạt được trong triển khai tín dụng chính sách và đề nghị trong thời gian tới, cùng với tập trung phát triển kinh tế, huyện cần chú trọng làm tốt hơn nữa công tác đảm bảo an sinh xã hội. Cần xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện tín dụng chính sách trên cơ sở điều kiện thực tế của huyện để việc tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao. Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam khẳng định, NHCSXH sẽ tiếp tục đồng hành với tỉnh Sóc Trăng nói chung và huyện Mỹ Tú nói riêng trong triển khai tín dụng chính sách xã hội, hỗ trợ đối tượng hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững và các đối tượng chính sách tiếp cận đồng vốn tín dụng ưu đãi để phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo trên địa bàn.
Trước buổi làm viêc, Đoàn giám sát và lãnh đạo tỉnh, huyện đã trực tiếp đến thăm hỏi, khảo sát thực tế tại các hộ vay vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, xây dựng nhà ở trên địa bàn xã Thuận Hưng./.
Quốc Tuấn