Trong bối cảnh Nhà nước còn thiếu vốn, việc xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cầu giao thông nông thôn là nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của người dân cũng như từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông. Những cây cầu được xây dựng thời gian qua đều mang đậm dấu ấn sự chung tay của Nhà nước, nhân dân và các đơn vi, cá nhân tài trợ. Cầu giao thông nông thôn Vạn Duyên 32 (cầu Sập) ở ấp Bố Liên 1, xã Thuận Hưng vừa được hoàn thành đưa vào sử dụng, người dân địa phương rất vui mừng phấn khởi. Cầu được xây dựng với kết cấu: bê tông, cốt thép, chiều dài 45m, rộng 3,3m. Tổng kinh phí xây dựng trên 400 triệu đồng.
Bà Trịnh Thị Hồng Hoa, ấp Bố Liên 1, xã Thuận Hưng phấn khởi cho biết: “Trước đây cầu này nhỏ hẹp rất là khó đi, thường xuyên hư hỏng nên bất tiện lắm. Nay được Nhà nước vận động xây mới vững chắc bà con ai cũng vui mừng, con em đi học thuận tiện, nếu như có bệnh hoạn thì xe bốn bánh cũng đến được tận nơi, rồi bộ mặt làng quê ngày càng sung túc hơn”.
Lễ khánh thành cầu nông thôn tại ấp Bố Liên 1 xã Thuận Hưng
Điểm đặc biệt của các công trình này là được đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí, người dân và chính quyền địa phương trực tiếp giám sát và góp công xây dựng. Việc xây dựng cầu giao thông nông thôn không chỉ tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện mà còn giúp xã Thuận Hưng hoàn thiện các tiêu chí về nông thôn mới. Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Thuận Hưng - Lý Bình Thanh cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, xã Thuận Hưng đặt mục tiêu hàng đầu là xóa cầu ván, tạm bợ và thay dần cầu cũ xuống cấp bằng cầu kiên cố, cầu bê tông nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giúp cho địa phương hoàn thiện bộ tiêu chí nông thôn mới.
Người dân chung sức xây dựng cầu giao thông nông thôn
Tính từ năm 2018 đến nay, xã Thuận Hưng đã vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng được 20 cây cầu bê tông đấu nối các tuyến đường, tạo nên hệ thống giao thông nông thôn thông suốt, tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng. Thành công của chủ trương này nhờ được người dân đồng thuận cao và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hảo tâm gần xa. Trong đó phải kể đến Thượng tọa Thích Minh Hạnh, trụ trì Chùa Thiên Thới (Kế sách) vận động hỗ trợ khoảng 4,8 tỷ đồng, còn lại do nhân dân địa phương đóng góp xây dựng.
Các cây cầu được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hoá
Ông Trần Văn Tình, Phó Bí thư Đảng uỷ, Trưởng Khối Vận xã Thuận Hưng chia sẽ: Thuận Hưng là vùng kênh, rạch rất nhiều, vốn là vùng sâu, vùng xa của huyện Mỹ Tú. Ngày nay, xã đã được xóa dần “vùng sâu”, tuy nhiên việc đi lại của người dân và đời sống nói chung còn thấp so các địa phương. Từng năm, nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân gần xa, cùng sự đồng lòng của người dân và chính quyền địa phương thực hiện xóa cầu khỉ, cầu gỗ thay bằng cầu đúc bê tông, đời sống người dân cũng khởi sắc theo. Khi chứng kiến niềm vui của người dân có cầu đi lại, là động lực cho những người làm công tác vận động như chúng tôi phấn đấu nhiều hơn nữa để cho người dân vùng sâu, vùng xa có thêm nhiều chiếc cầu như thế này để xóa đi ngăn cách của những con kênh, hàng hóa, nông sản được vận chuyển thuận lợi, bán có giá hơn. Đây là tiền đề quan trọng để giúp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thuận Hưng tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và từng bước thực hiện hoàn thành các tiêu chí trong 19 tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo lộ trình đã đề ra.
Niềm vui, tiếng cười của các em học sinh, người dân khi được đi trên những cây cầu mới cũng là hạnh phúc của những người làm công tác vận động xây dựng cầu. Hy vọng giai đoạn tiếp theo sẽ có thêm nhiều cây cầu được xây dựng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân nông thôn./.
Quốc Tuấn